Bàn quy trình thuê cảnh vệ cho lãnh đạo khi công du nước ngoài
Chiều 12.6, tiếp tục phiên họp 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ, trước khi trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp 7 đang diễn ra.
Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau là đề xuất cho phép thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ ở nước ngoài.
Không quy định về quy trình, thanh quyết toán
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thảo luận tại đợt 1 kỳ họp 7, nhiều ý kiến nhất trí với đề xuất này. Có ý kiến đề nghị quy định rõ chỉ thuê trong trường hợp bất khả kháng; đồng thời cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, nguồn kinh phí chi trả, bồi thường thiệt hại (nếu có) khi thuê.
Vẫn theo ông Tới, cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định chi tiết về tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu, định mức, thanh quyết toán về thuê lực lượng, phương tiện ở nước ngoài; làm rõ thuê lực lượng, phương tiện trong nước hay của nước ngoài và ưu tiên thuê trong nước.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Giải trình vấn đề này, ông Tới cho hay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật.
Nguyên nhân chủ yếu do có sự khác nhau về thể chế chính trị; quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ, quy định quản lý, sử dụng vũ khí. Ngoài ra, một số hoạt động của đoàn ngoài chương trình đã thống nhất nên các nước không thực hiện biện pháp cảnh vệ…
“Cần phải có cơ chế cho lực lượng cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài, không phải trong nước, trong trường hợp bất khả kháng”, ông Tới nói.
Về nguồn kinh phí để thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết là ngân sách nhà nước.
Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải căn cứ vào pháp luật của nước sở tại và pháp luật của Việt Nam để thực hiện, trong đó có pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý tài sản công.
Dẫn quy định tại điều 32 luật Quản lý tài sản công, ông Tới cho biết, thực tiễn khi các lãnh đạo chủ chốt đi công tác tại nước ngoài thì 4 văn phòng T.Ư (Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội – PV) chủ trì thực hiện việc thuê, thực hiện thủ tục thanh quyết toán tiền thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác cảnh vệ theo quy định của pháp luật, không phát sinh khó khăn, bất cập.
Từ đó, ông Tới cho rằng, dự thảo luật này chỉ quy định cho phép thuê và không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của lực lượng cảnh vệ.
“Nếu văn phòng lại phải chuẩn bị kinh phí cũng rất khó”
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà bày tỏ đồng tình với quy định thuê lực lượng, phương tiện ở nước ngoài để thực hiện công tác cảnh vệ. Tuy nhiên, ông đề nghị phải quy định ngắn gọn về quy trình thuê, sử dụng, thanh toán vì việc thuê ở nước ngoài phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và diễn ra rất nhanh.
“Ta không thể tổ chức triển khai theo đúng quy trình, quy định trong nước, ví dụ đấu thầu để triển khai thuê”, ông Hà nêu.
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Văn phòng Quốc hội cũng phối hợp với Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Bộ Công an để đảm bảo việc thuê các thiết bị, nhất là thiết bị kỹ thuật bảo đảm an toàn cho các đoàn đối ngoại của Quốc hội. Do đó, ông bày tỏ thống nhất với quy định này.
Tuy nhiên, ông Cường đề nghị, để phù hợp thì nên quy định việc quyết định thuê do tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết định và kinh phí cũng do nguồn của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đảm bảo “sẽ chủ động hơn”.
“Như thế cũng thể hiện anh buộc phải thuê lực lượng, phương tiện ở nước ngoài thì phải chuẩn bị kinh phí. Nếu văn phòng lại phải chuẩn bị kinh phí thì cũng rất khó vì sẽ bị động”, ông Cường nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định góp ý, nếu quy định là tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ quyết việc thuê thì khó khăn vì nhiều khi tư lệnh không đi mà chỉ có phó tư lệnh đi theo đoàn.
“Thường các đoàn của tứ trụ (lãnh đạo chủ chốt) thì thường có một phó tư lệnh đi thôi. Nếu phải thuê thì phó tư lệnh quyết định thôi chứ nếu quy định là phải tư lệnh quyết định thì sẽ không khả thi”, ông Định nói.
Dự thảo luật đề xuất quy định, trong trường hợp đã sử dụng tất cả các nguồn nhân lực và phương tiện thiết bị mang theo mà không đáp ứng được công tác cảnh vệ thì tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an), Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội (Bộ Quốc phòng) có quyền quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài. Các đối tượng cảnh vệ được áp dụng quy định này gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.