Apple đã không làm người hâm mộ thất vọng tại sự kiện WWDC 2024 khi trình làng bộ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát của mình với thế giới.
Không giống với ChatGPT hay Google Gemini, các công cụ và tính năng Apple Intelligence được hứa hẹn vẫn cung cấp các dịch vụ AI cá nhân hóa trong khi vẫn giữ được tính bảo mật dữ liệu nhạy cảm.
Bước nhảy vọt lớn
MIT Technology Review đánh giá thứ được Apple gọi là Private Cloud Compute thể hiện bước nhảy vọt lớn của Táo khuyết trong việc sử dụng dữ liệu riêng tư người dùng để giúp AI thực hiện các tác vụ.
Để đảm bảo có thể thực hiện điều này mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư người dùng, Apple cho biết hãng đã xây dựng một cách mới để xử lý dữ liệu nhạy cảm trên đám mây.
Cụ thể, Táo khuyết đảm bảo các tính năng của Apple Intelligence chỉ chạy tại thiết bị (on-device) để tránh lộ lọt dữ liệu.
Thứ được Apple gọi là Private Cloud Compute thể hiện bước nhảy vọt lớn của Táo khuyết trong việc sử dụng dữ liệu riêng tư người dùng để giúp AI thực hiện các tác vụ. Ảnh: Apple. |
Nếu bất kỳ dữ liệu nào được trao đổi với các dịch vụ đám mây, nó sẽ được mã hóa và xóa ngay sau đó. Theo thông cáo từ Apple, quy trình này sẽ được các nhà nghiên cứu bảo mật độc lập xác minh.
“Private Cloud Compute chỉ sử dụng thông tin của bạn để hoàn thành yêu cầu đưa ra và sẽ không bao giờ lưu lại thông tin đó để đảm bảo không ai có thể truy cập chúng, kể cả nhân viên Apple. Đồng thời, chúng tôi đã thiết kế hệ thống để các nhà nghiên cứu độc lập có thể xác minh các lớp bảo vệ này”, nhà sản xuất iPhone viết trên trang chủ.
Tuyên bố của Apple dường như ngầm đi ngược lại với các gã khổng lồ như Alphabet, Amazon hoặc Meta, những công ty vốn thường được biết đến với việc thu thập và lưu trữ lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ.
Theo Apple, mọi dữ liệu cá nhân được truyền lên đám mây sẽ chỉ được sử dụng cho tác vụ AI hiện tại và sẽ không được công ty giữ lại hoặc truy cập, ngay cả để gỡ lỗi hoặc kiểm soát chất lượng, sau khi mô hình hoàn thành yêu cầu.
Nói một cách đơn giản, Táo khuyết đang muốn nhấn mạnh người dùng có thể tin tưởng vào việc hãng phân tích những dữ liệu vốn cực kỳ nhạy cảm như hình ảnh, tin nhắn và email chứa thông tin chi tiết riêng tư về cuộc sống.
Những đặc điểm về tính bảo mật của dữ liệu người dùng trên Apple Intelligence mà Táo khuyết nhấn mạnh. Ảnh: Apple. |
Đã có một số ý tưởng về cách thức hoạt động của tính năng này trong các phiên bản iOS sắp tới. Ví dụ thay vì phải cuộn qua các dòng tin nhắn để tìm podcast mà bạn bè đã gửi, người dùng có thể chỉ cần yêu cầu Siri tìm và phát podcast đó.
Nền tảng phần cứng
Để đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu, những tác vụ phức tạp của người dùng sẽ được Apple chuyển sang mô hình AI trên máy chủ sử dụng chính các silicon của hãng để hoạt động. Pocket-lint dự đoán rất có thể chip M2 Ultra sẽ đảm nhận nhiệm vụ này.
Đây chính là khác biệt lớn trong AI của Apple với các đối thủ. Táo khuyết làm được điều này bởi họ quản lý từ phần cứng đến hệ điều hành.
Bên cạnh đó, thực tế là Apple kiếm được nhiều lợi nhuận từ phần cứng và dịch vụ hơn là mảng quảng cáo. Đây cũng là một lý do để người dùng có thể tin rằng Táo khuyết sẽ có ít động lực hơn một số công ty khác trong việc thu thập dữ liệu cá nhân.
Động thái mới về bảo mật dữ liệu cũng phần nào lý giải được lý do khiến Apple chậm chân trong cuộc đua tích hợp AI so với các đối thủ.
Đã hai năm sau thời kỳ bùng nổ AI, các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vẫn đòi hỏi sức mạnh tính toán khổng lồ với cả những tác vụ đơn giản nhất.
Những con chip được sử dụng trong điện thoại và laptop rất khó để đạt được sức mạnh tính toán mà các LLM yêu cầu. Đó là lý do tại sao chỉ những mẫu AI nhỏ nhất của Google mới có thể chạy trên điện thoại của hãng, trong khi phần lớn các tác vụ khác đều được thực hiện thông qua đám mây.
Đám mây khi xử lý tác vụ AI của Apple cũng được bảo mật. Ảnh: Pocket-lint. |
Apple cho biết khả năng xử lý các tính toán AI trên thiết bị của hãng là nhờ nhiều năm nghiên cứu về thiết kế chip, dẫn đến việc hãng bắt đầu tung ra chip M1 vào năm 2020.
Digital Trends cho rằng Apple đã kiên quyết đợi đến khi AI của họ sẵn sàng ra mắt, thay vì vội vã tung ra một sản phẩm nguy hiểm, chưa hoàn thiện để đạt lợi nhuận tối đa.
Đây là điểm làm nên sự khác biệt của Apple, bởi cuộc đua giành vương miện trong lĩnh vực AI ngày càng giống một con dốc dẫn xuống vực thẳm. Ai cũng khao khát “chiến thắng”, đến mức sẵn sàng tung ra những công cụ ngày càng mạnh mẽ và nguy hiểm, trong khi thiếu khâu giám sát, kiểm định kỹ lưỡng.
Tiêu biểu nhất là Google khi vội vã đưa Gemini AI ra thị trường, dẫn đến sai sót nghiêm trọng về kiến thức lịch sử, hay GPT-4o với tranh cãi về đánh cắp giọng nói Scarlett Johansson.
Apple dù đi sau, nhưng không thể nói hãng đã bị bỏ lại. Apple Intelligence chính là câu trả lời đanh thép nhất của họ, với mức độ hoàn thiện được đánh giá rất cao so với những kẻ đi trước như Google.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn
Ý tưởng mơ hồ tiếp theo của AppleDự án lớn tiếp theo của Apple có thể đi vào vết xe đổ tương tự ý tưởng sản xuất ôtô thông minh trước đây, khi công ty dự định tạo ra một robot AI trong nhà. |