Áp thuế trong kinh doanh vàng?
Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng là câu chuyện của quốc tế, không chỉ riêng Việt Nam.
Qua 1 tuần triển khai giải pháp can thiệp mới vào thị trường vàng là Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán vàng cho người dân, bước đầu chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.
Nhìn nhận giải pháp mới của Ngân hàng Nhà nước đem lại những kết quả tích cực trong bình ổn thị trường vàng, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần có giải pháp dài hạn như sửa đổi Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Để khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng, PGS – TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.
Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Giải pháp trên cũng có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
Theo TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ nhà nước nào. “Trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ, đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.
Sửa Nghị định 24, chống vàng hóa nền kinh tế
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng, Ngân hàng Nhà nước đánh giá sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn, nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đô la hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất, kinh doanh”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ tổng hợp lại, tham mưu Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 24. Mục tiêu xuyên suốt Nghị định 24 là ổn định vĩ mô, không ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ; không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng phải rà soát rất kỹ.
Theo Ngân hàng Nhà nước, căn cứ phương án bánvàng miếng SJCtrực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giá bánvàng miếngtrực tiếp ngày 10.6 của Ngân hàng Nhà nước là 75,98 triệu đồng/lượng.
Mức giá này giữ nguyên so với giá bán ra của ngày 7.6 và 6.6; giảm 3 triệu đồng/lượng so với ngày 3.6 (ngày đầu tiên Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp – PV).