Ăn tiết canh tại đám cỗ, người đàn ông nhập viện do nhiễm liên cầu lợn
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã ghi nhận 3 trường hợp mắc liên cầu lợn (giảm 4 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong tháng 5 có 2 ca bệnh.
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 83 tuổi (ở Q.Hà Đông). Sau một ngày khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao, đau đầu, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, cứng gáy, rối loạn ý thức. Qua khai thác tiền sử dịch tễ của bệnh nhân, 5 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn tiết canh tại đám cỗ ở Nam Định.
Tại bệnh viện, xét nghiệm cấy máu của nam bệnh nhân cho kết quả, dương tính với liên cầu lợn streptococcus suis (s.suis).
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 56 tuổi (ở H.Ứng Hòa) khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao kèm theo cơn rét run, và diễn biến nặng hơn (đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn khan, điếc đột ngột), được gia đình đưa đến Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, xét nghiệm nuôi cấy dịch não tủy của bệnh nhân cho kết quả dương tính với liên cầu lợn.
Theo tiền sử dịch tễ của bệnh nhân, gia đình không chăn nuôi lợn. Trong vòng 2 tuần trước khởi phát bệnh, người bệnh không ăn tiết canh lợn, không tham gia giết mổ lợn.
Theo CDC Hà Nội, liên cầu lợn cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Hiện có 2 tuýp liên cầu lợn ( tuýp 1 và 2). Trong đó, gây bệnh cho người thường là liên cầu lợn tuýp 2.
Hầu hết các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong với các bệnh do liên cầu lợn rất cao.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, s.suis (liên cầu khuẩn lợn) chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. S.suis có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác.
Như vậy, môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh của vi khuẩn. Do đó, không chỉ tiết canh, những món ăn tái sống chưa được chế biến chín cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn và là nguy cơ gây bệnh cho người ăn.
Để phòng bệnh, CDC Hà Nội khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.